TUYỂN DỤNG VINACOMIN
Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử khai thác gần 180 năm, với trên 80 năm truyền thống vẻ vang, từ cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã giành thắng lợi rực rỡ.
Bước vào công cuộc đổi mới, những năm đầu thập niên 90, ngành Than Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gay gắt: nạn khai thác than trái phép phát triển tràn lan làm tài nguyên và môi trường vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp.
Do thiếu sự tổ chức và quản lý thống nhất của Nhà nước đã đẩy các công ty than chính thống vào tình thế phải thu hẹp sản xuất, giảm đào lò, giảm bóc đất, niêm cất xe máy, thiết bị, công nhân thiếu việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn, ngành Than đã lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.
Dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành Than là khi Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ.
Với chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền tảng sản xuất than, Tổng Công ty đã từng bước tháo gỡ khó khăn, trì trệ thời bao cấp, xây dựng mục tiêu chiến lược đúng đắn cho sự phát triển.
Kết quả là năm 2005, sản lượng than nguyên khai đạt trên 30 triệu tấn, tăng 2,7 lần so với năm 2000 và tăng 5 lần so với năm 1994 (trước khi thành lập Tổng Công ty).
Tổng doanh thu năm 2005 vượt 20.000 tỷ đồng (trong đó than chiếm 68%), lợi nhuận trước thuế vượt 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng so với 667.000 đồng/tháng năm 1995.
Môi trường vùng mỏ, điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần của CBCNVC được cải thiện rõ rệt.
Ngày 8/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên, thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và hoạt động theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 228/2006/QĐ-TTg ngày 11/10/2006.
Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (thay thế Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam).
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký với các nội dung chính sau:
1. Tên đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
2. Tên giao dịch bằng tiếng Việt: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Tên viết tắt bằng tiếng Việt: TKV.
3. Tên gọi bằng tiếng Anh: VIETNAM NATIONAL COAL AND MINERAL INDUSTRIES HOLDING CORPORATION LIMITED. Tên viết tắt bằng tiếng Anh: VINACOMIN.
4. Trụ sở chính: 226 phố Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-24-38510780. Fax: 84-24-38510724.
Website: www.vinacomin.vn.
5. TKV có Trung tâm điều hành sản xuất tại 95A Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và ở một số địa phương có lực lượng sản xuất tập trung (Tây Nguyên và các khu vực khác) và có Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
Hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng, nhiệm vụ của TKV
1. TKV là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ này.
2. TKV có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, biểu tượng, thương hiệu, tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ mở tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. TKV có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng toàn bộ tài sản của mình; chịu trách nhiệm dân sự và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty con, công ty liên kết trong phạm vi số vốn do TKV đầu tư.
3. TKV có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau:
a) Đầu tư tài chính vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con, các công ty liên kết theo mức độ chiếm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này;
b) Trực tiếp kinh doanh có lợi nhuận và hiệu quả theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn tại các công ty con và công ty liên kết tương ứng với phần vốn đầu tư của TKV tại các doanh nghiệp này. Các quan hệ kinh tế phát sinh giữa TKV và công ty con, công ty liên kết được thể hiện bằng hợp đồng;
d) TKV được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chức năng chủ thể quản lý tài nguyên khoáng sản than, bô xít, đồng, sắt, vàng, bạc, thiếc, kẽm và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật;
đ) Đầu mối thực hiện những công việc mà Nhà nước trực tiếp giao cho TKV tổ chức thực hiện trong Tập đoàn các công ty TKV, gồm: Động viên công nghiệp; nhận và phân bổ vốn ngân sách; lập và điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh; định hướng phân công lĩnh vực hoạt động và ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; tổ chức công tác tài chính, kế toán, thống kê; hình thành, quản lý và sử dụng các chi phí tập trung; công tác lao động, tiền lương, y tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; công tác an toàn lao động, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; công tác ứng dụng khoa học, công nghệ; đặt tên các đơn vị trong Tập đoàn các công ty TKV; sử dụng tên, thương hiệu của Tập đoàn TKV; công tác hành chính, đối ngoại và thủ tục nhân sự xuất, nhập cảnh; công tác thi đua khen thưởng, văn hóa, thể thao, công tác xã hội và các nội dung khác theo thỏa thuận của các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn các công ty TKV.
4. TKV được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bôxít và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật; vốn nhà nước đầu tư vào TKV; một số công trình thuộc kết cấu hạ tầng có tính chất liên mỏ, liên khu vực.
5. TKV giữ vai trò trung tâm, lãnh đạo, quản lý và chi phối hoạt động của các công ty con theo quy định của pháp luật và Điều lệ này nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất của Tập đoàn các công ty TKV và của từng công ty con. Quan điểm phát triển – mục tiêu – sứ mệnh – Quan điểm phát triển: Phát triển Tập đoàn các công ty Than – Khoáng sản Việt Nam theo phương châm phát triển bền vững: “Từ tài nguyên kháng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh; thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hài hoà với địa phương và cộng đồng; hài hoà với đối tác và bạn hàng; hài hoà giữa các công ty thành viên và người lao động” với mục tiêu “Vì một tập đoàn các công ty Than – Khoáng sản Việt Nam Giàu mạnh – Thân thiện – Hài hoà”.
Mục tiêu: Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. – Sứ mệnh:
(1) Phát triển công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành, nghề khác một cách bền vững;
(2) Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái;
(4) Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và phát triển cộng đồng;
(5) Không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức và người lao động;
(6) Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế; đóng góp ngày càng nhiều vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
CÁC MỐC QUAN TRỌNG TRONG HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN
* Ngày 01/01/1995: Tổng Công ty Than Việt Nam bắt đầu hoạt động theo Điều lệ được ban hành tại Nghị định 13-CP ngày 17/01/1995 của Chính phủ.
* Tháng 11/1996: Ngành Than đón nhận Huân chương Sao vàng do có nhiều công lao trong 50 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Tháng 12/1997: Than Việt Nam đạt 10,7 triệu tấn than thương phẩm, hoàn thành vượt mức sản lượng của năm 2000 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII giao cho Ngành Than (10 triệu tấn).
* Tháng 5/1999: Điều chỉnh giảm sản xuất than theo nhu cầu thị trường giải quyết thành công quan hệ cung cầu do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Cổ phần hoá công ty than đầu tiên.
* Tháng 5/2001: Tiếp nhận Tổng công ty cơ khí năng lượng và mỏ sáp nhập vào Tổng Công ty Than Việt Nam.
* Tháng 4/2002: Khởi công xây dựng nhà máy điện Na Dương – nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Tập đoàn.
* Tháng 8/2003: Xuất xưởng lô xe tải KRAZ đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam.
* Tháng 12/2003: Đạt 18,8 triệu tấn than thương phẩm, vượt chỉ tiêu sản lượng của năm 2005 do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra cho ngành Than (15 triệu tấn). * Tháng 12/2004: Đạt 24,7 triệu tấn than thương phẩm (trong đó xuất khẩu 10,5 triệu tấn), đạt mục tiêu quy hoạch của năm 2010 (23-24 triệu tấn).
* Ngày 06/01/2005: Tổng Công ty Than Việt Nam được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới theo hướng đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
* Ngày 08/8/2005: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
* Ngày 26/12/2005: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam bắt đầu hoạt động từ 01/01/2006
* Ngày 09/10/2006: Cổ phiếu của Công ty CP than Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn, Hà Tu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, chuyển phần lớn các công ty sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp
* Tháng 7/2008: Khởi công dự án Bô-xít Tân Rai, Lâm Đồng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp Nhôm ở Tây Nguyên
* Năm 2010 đã sản xuất 46,8 triệu tấn than, tiêu thụ 42,8 triệu tấn than (trong đó xuất khẩu 18,7 triệu tấn), doanh thu 69,6 ngàn tỷ VNĐ, đảm bảo đủ việc làm cho trên 132 ngàn công nhân viên chức lao động.
* Ngày 21/3/2011: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 418/2005/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; theo đó Tập đoàn có: 22 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ – Tập đoàn; 23 công ty con TNHH MTV; 4 công ty con ở nước ngoài; 7 đơn vị sự nghiệp có thu hạch toán độc lập; 33 công ty con cổ phần. * Ngày 07 tháng 2 năm 2013: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giai đoạn 2012 – 2015.
* Ngày 19/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 212/2013/NĐ-CP phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).
* Ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2018/NĐ-CP phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), thay thế Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.